Lương y Tạ Minh.
I/- HÀN – NHIỆT
Những
triệu chứng của hàn nhiệt khá phong phú. Tùy theo bệnh mà có các chứng
khác nhau. Nhưng mấu chốt vẫn là sự ưa hoặc sợ - nóng và lạnh, tăng hay giảm
bệnh khi có điều kiện hàn nhiệt tác động. Cho nên rút gọn lại ta chỉ cần lưu ý
các hiện tượng sau đây:
1)
Những hiện tượng bệnh chứng thuộc hàn: với toàn thân ta có
sợ lạnh, thích ấm, bệnh tăng lên khi gặp yếu tố lạnh. Đối với cục bộ ta sờ
vào vùng có bệnh thấy lạnh hơn các nơi khác.
2)
Những hiện tượng thuộc bệnh nhiệt: với toàn thân ta có
sợ nóng, ưa mát, bệnh tăng lên khi gặp yếu tố nóng. Với cục bộ ta sờ vào vùng
có bệnh thấy nóng hơn các nơi khác.
3)
Nói cách khác ta có một bệnh nhân có thể tổng trạng hàn
hoặc nhiệt và mắc bệnh chứng hàn hay nhiệt. Tổng trạng và bệnh không bắt buộc
phải cùng thể loại.
Không nên đặt các câu hỏi có tính áp
chế như: “Hễ trời nóng thì bệnh nặng hơn phải không?”. Vì lúc này bệnh nhân sẽ
dễ bị ám ảnh và hay trả lời xuôi theo câu hỏi “Phải, hễ nóng là đau
hơn”, mà nên hỏi: “Bệnh tăng khi trời nóng hay trời lạnh?”. Với câu hỏi
này bệnh nhân bắt buộc phải suy nghĩ và nhớ lại mới trả lời, thì câu trả lời sẽ
khách quan hơn. Nếu bệnh nhân phân vân, ta nên khuyến khích bệnh nhân về xem
xét lại và trả lời sau. Không nên hối thúc, bệnh nhân dễ bị rối trí và trả lời
sai.
Ta
thấy, trong bệnh Dương hư, luôn luôn bệnh nhân sợ lạnh, da lạnh. Trong bệnh Âm
hư, bệnh nhân luôn sợ nóng, da nóng. Âm Dương đều hư thì nóng lạnh đều ghét.
Biên độ chịu nóng và lạnh của họ rất hẹp. Chưa ai thấy nóng hay lạnh họ đã kêu
nóng hoặc lạnh.
Trên
lâm sàng hội chứng toàn thân và triệu chứng cục bộ (nơi có bệnh) có khi thống
nhất có khi lại không thống nhất nhau. Vì thế cần chẩn đoán hai lần: toàn thân
và cục bộ.
1)
Khi toàn thân và cục bộ thống nhất thì toàn thân sợ cái
gì thì cục bộ tăng triệu chứng theo khi gặp cái đó. Thí dụ: trong đau khớp,
bệnh nhân sợ lạnh và khi trời lạnh thì khớp đau hơn. Hoặc bệnh nhân sợ nóng và
khớp cũng đau hơn khi trời nóng.
2)
Khi toàn thân và cục bộ không thống nhất thì yếu tố nóng và
lạnh chỉ ảnh hưởng tới một khía cạnh mà thôi. Hoặc có khi ảnh hưởng trái ngược
nhau. Ở đây sẽ khá phức tạp. Vì khớp là loại bệnh chứng thường gặp nhất nên
được nêu làm ví dụ điển hình, các bệnh khác cũng suy luận tương tự.
·
Toàn thân ấm hay nóng mà khớp lạnh: thuần túy là do khớp bị
nhiễm lạnh (khớp rất lạnh, đây là bệnh thuộc thực – xem ở phần hư - thực dưới
đây) hoặc do toàn thân thiếu máu hoặc chỉ do khớp bị thiếu máu (tại khớp
không lạnh lắm như trường hợp trước, đây là bệnh do hư – xem ở phần hư - thực ở
dưới). Tuy nhiên trên thực tế các loại này hay trùng hợp nhau. Ở đây thì
khi trời lạnh, khớp sẽ đau hơn. Khi trời nóng khớp lại đau ít.
·
Toàn thân mát hay lạnh mà khớp nóng: khớp bị nhiễm nóng
hoặc nhiễm trùng nhẹ (nếu nhiễm trùng nặng thì cơ thể bắt buộc phải sốt). Khi
khớp nhiễm nóng thì sẽ giảm bệnh (đau) khi gặp yếu tố lạnh. Nếu là nhiễm
trùng thì khớp không giảm đau mà có khi còn đau hơn khi gặp lạnh!!
Trên thực tế đôi lúc chúng ta sẽ lúng
túng khi gặp các triệu chứng hàn và nhiệt cùng xuất hiện đến nỗi khó phân
định là bệnh thuộc hàn hay nhiệt. Hãy bình tĩnh xem xét. Chú ý đến thể trạng
bệnh nhân vì thể trạng là nguồn gốc của mọi vấn đề. Một thể trạng
(chính khí) vững mạnh rất khó nhiễm bệnh. Xem xét trong cơ thể nơi nào
lạnh hay nóng nhất. Nơi đó là nơi ngoại tà xâm nhập gây bế tắc cho toàn thân.
Điều chỉnh nơi này cho bình thường lại và điều chỉnh tổng trạng cho cân bằng
lại thì sự rối rắm nêu trên sẽ mất và các triệu chứng sẽ hiện rõ hơn. Trên lâm
sàng nhiều khi tôi chỉ điều chỉnh tổng trạng xong thì bệnh chứng cũng
tự biến mất.
II/- HƯ – THỰC
-
Hư là trống rỗng, suy yếu, thiếu thốn. Là bệnh có nguyên
nhân do suy yếu hay thiếu thốn. Thí dụ: suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh,
can dương hư, thận âm hư……v.v.. Vì thế khi nói đến bệnh thuộc hư là nói
đến tổng trạng của bệnh nhân hay một tạng phủ nào đó bị suy yếu hỏng hóc.
Nguyên nhân làm cho hư thì tùy, có lúc do bản chất tự hư, có khi do nguyên nhân
bên ngoài tác động.
-
Thực là đầy, là dư thừa. Là bệnh do sự dư thừa gây ra. Thí
dụ: cảm lạnh là do cơ thể hấp thu nhiều khí lạnh nên bị dư thừa khí lạnh. Cảm
nóng là do cơ thể hấp thụ quá nhiều hơi nóng sinh bệnh. Có thể nói bệnh thuộc
thực là do nguyên nhân bên ngoài tác động vào khiến cơ thể không chịu đựng
nổi mà phát bệnh.
Điều khó nhất là chẩn đoán đúng về
Hư - Thực vì dương chứng có thể do dương vượng có thể do âm hư. Âm chứng
có thể do âm vượng có thể do dương hư. Cần nhớ rằng chứng có thể là chứng của
tổng trạng có thể là chứng của riêng căn bệnh mà thôi. Phải biết phân biệt đâu
là của toàn thân đâu là của riêng căn bệnh.
Trên
thực tế, kinh nghiệm cho biết bệnh thuộc thực thì triệu chứng mạnh mẽ, dữ
dội, ồn ào, rõ rệt. Bệnh thuộc hư thì triệu chứng nhẹ nhàng, dịu dàng, phơn
phớt, kín đáo. Kín đáo đến mức đôi khi bệnh nhân không cảm nhận được.
Tuy việc chẩn mạch sẽ cho biết tương đối rõ về bệnh hư thực nhưng việc học chẩn
mạch không dễ. Cần sự truyền thụ trực tiếp giữa thầy và trò. Đồng thời cần
kinh nghiệm nhiều trong việc xem mạch. Vì thế trong thời gian qua, sau khi
tìm hiểu và theo dỏi tôi tìm ra hiện tượng nêu trên. Điều còn lại là khi thấy
triệu chứng thực hay hư thì phải tìm cho được vì đâu mà có triệu chứng này. Chỉ
cần biết cách đặt câu hỏi cho phù hợp, kết hợp với óc suy luận phán đoán,
khám kỹ theo tất cả các kỹ thuật khám bệnh đã biết thì việc chẩn đoán bệnh
thuộc hư hay thực trở nên dễ dàng hơn. Cần xem thêm các bài “Chẩn đoán
hàn nhiệt bằng huyệt DC” và “Làm sao để đạt tứ đắc” của tôi.
III/- ÂM DƯƠNG
Trong
Đông y, Âm Dương là tổng cương của 6 cương lĩnh kia (hàn, nhiệt, hư, thực,
biểu, lý). Ba cương thuộc Dương là nhiệt (nóng), thực (dư thừa), biểu (bên
ngoài). Ba cương thuộc âm là hàn (lạnh), hư (suy yếu), lý (bên trong). Có thể
nói khi một bệnh nhân xuất hiện đủ triệu chứng của ba cương thuộc Âm hoặc
Dương là có thể kết luận bệnh thuộc Âm hay bệnh thuộc Dương. Trong các y án,
khi người ta nói “Dương chứng” có nghĩa là triệu chứng thuộc Dương (chứng
nhiệt, chứng thực, chứng ở biểu) - tương tự cho từ ngữ “Âm chứng”. Nhưng
có lúc chỉ có hai trong ba khía cạnh thôi, người ta cũng nói là Dương chứng hay
Âm chứng. Điều này do thói quen và không ảnh hưởng gì đến kết quả chẩn đoán vì
thường là bệnh đơn giản mới nói như vậy. Tuy nhiên trong thực tế thì hiếm khi
triệu chứng lại thuần nhất đến như vậy mà thường pha trộn vài triệu
chứng thuộc âm vài triệu chứng thuộc dương. Nếu bệnh phức tạp thì bắt buộc
người ta sẽ nói kỹ hơn như một số từ thường gặp: hư nhiệt (nóng do hư), hư hàn
(lạnh do hư), biểu nhiệt lý hàn (ngoài nóng trong lạnh), biểu hàn lý nhiệt (ngoài
lạnh trong nóng), biểu hư lý thực (ngoài hư, trong thực)……v.v.. Hoặc cẩn thận
hơn người ta sẽ liệt kê đầy đủ các triệu chứng thuộc âm và thuộc dương trước
khi kết luận.
Tóm
lại, Dương hay Âm chỉ là tổng kết triệu chứng của ba cương lĩnh
thứ cấp của chúng trong Bát Cương mà thôi. Tuy nhiên nói như vậy là cũng chưa
đầy đủ vì ÂM và DƯƠNG còn là 2 thành phần cơ bản của cơ thể. Có thể nói
gọn: Âm là cơ sở vật chất, Dương là năng
lượng tạo nên, duy trì sự tồn tại và hoạt động của vật chất. Điều này khá phức tạp, xin được đề cập
ở dịp khác.
KẾT LUẬN:
Như
vậy, khi chẩn đoán bệnh ta luôn cần chẩn đoán bệnh thuộc hàn hay nhiệt, hư hay
thực cùng lúc để có kết luận tương đối đủ và đúng. Trong Đông y thì còn cần biết thêm về biểu (bên ngoài) và lý (bên
trong), nhưng với DC thì hai yếu tố này không cần thiết nên tôi lược bỏ.
Xin xem thêm bài “Một số khái niệm thường gặp”.
CHÚ THÍCH:
·
Dương chứng: chứng thuộc dương gồm có chứng nhiệt, chứng
thực, chứng xuất hiện bên ngoài.
·
Âm chứng: chứng thuộc âm gồm chứng lạnh, chứng hư, chứng
thuộc bên trong.
·
Biểu chứng: chứng xuất hiện bên ngoài cơ thể có thể thấy, sờ
được như các bệnh ngoài da, bệnh viêm khớp…………
·
Lý chứng: chứng thuộc bên trong là các bệnh chứng của tạng
phủ như viêm gan, viêm dạ dày, suy thận………….
·
Chính khí: sức lực tổng thể của bệnh nhân, sức mạnh nội
tại, sức đề kháng. Còn được gọi là nguyên khí.
·
Tà khí: yếu tố gây bệnh như vi khuẩn, thời tiết khắc
nghiệt, môi trường ô nhiễm, thức ăn không hợp…... nên thường gọi là ngoại tà.
·
Bát cương: là 8 cương lĩnh (giềng mối) dùng trong chẩn đoán
của Đông y, gồm có Âm, Dương, Hư, Thực, Hàn, Nhiệt, Biểu, Lý. Rất đơn giản
nhưng bao trùm phương pháp luận chẩn đoán của Đông y. Rất hiệu nghiệm nếu nắm
vững kỹ thuật chẩn đoán này khi cùng phối hợp với Tạng tượng.
Bài viết này chưa phải là bài giảng về
Bát Cương mà chỉ nêu lên những mấu chốt của Bát cương mong giúp các bạn sau này
có cơ hội đọc sách Đông y sẽ dễ lĩnh hội hơn mà thôi.
TP. Hồ Chí Minh, 1993.
Cháu chào bác Tạ Minh!
Trả lờiXóaCháu cảm ơn bác vì những bài viết tâm huyết quý giá này lắm ạ, cho những người ở xa như cháu có thể tìm hiểu phần nào tự chữa bệnh cho mình.
Trong bài này có mấy phần cháu chưa hiểu xin bác giải thích rõ hơn giúp cháu nhé!^^
1) Điều chỉnh tổng trạng cụ thể là điều chỉnh cái gì và như thế nào ạ?
2)khi ta đã chẩn được chứng bệnh âm dương ,hàn, nhiệt thì cách điều chị ta nên điều trị thế nào hả bác. ví dụ bệnh là Dương thì sao mà là âm thì sao ạ?
cháu cảm ơn bác mong được bác giải đáp, hihi