Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2013

CHƯƠNG III: NGUYÊN TẮC ĐIỀU TRỊ 1. NGUYÊN TẮC ĐIỀU TRỊ



Lương y Tạ Minh.

            Việc gì cũng đều có một số nguyên tắc thể hiện thực hiện, dù không ít ngoại lệ. Muốn thành công, muốn ít gặp biến cố cần biết và tuân thủ các nguyên tắc mà cũng không rời ngoại lệ. Việc khám chữa bệnh cũng vậy. Cần theo một số nguyên tắc cần thiết. Nguyên tắc đầu tiên là nhận biết và xử lý các trường hợp cần đến các kỹ thuật cấp cứu của bệnh viện.
I/-        NHỮNG TRƯỜNG HỢP BỆNH CẤP CỨU
            Những trường hợp sau đây thuộc loại cấp cứu tại bệnh viện:
-                    Đau dữ dội tại một nơi nào đó trong cơ thể thuộc vùng ngực, bụng hay đầu, kèm sốt cao (trên 38°C).
-                    Huyết áp số trên bằng hay cao hơn 170 hoặc huyết áp số dưới bằng hay hơn 110. Trong trường hợp tăng huyết áp.
-                    Huyết áp số trên thấp hơn 90 hoặc huyết áp số dưới thấp hơn 50. Trong trường hợp tuột huyết áp.
Với những trường hợp này ta chỉ tạm thời can thiệp khi xa bệnh viện hay trên đường đưa bệnh nhân đến bệnh viện mà thôi.
II/-       NGUYÊN TẮC ĐIỀU TRỊ
1)                  Đối với bệnh mới phát hoặc bệnh có triệu chứng dữ dội, nếu không thuộc loại cấp cứu đã nêu trên thì ta nên điều trị vào triệu chứng trước rồi điều chỉnh tổng thể sau (cấp trị Tiêu).
2)                  Đối với bệnh mạn tính hay bệnh có triệu chứng tương đối nhẹ mà bệnh nhân chịu đựng được thì ta nên điều chỉnh tổng trạng trước rồi chữa triệu chứng sau (hoãn trị Bản).
3)                  Điều chỉnh tổng trạng thì theo các yếu tố chẩn đoán của tổng trạng. Điều trị triệu chứng cục bộ nơi có bệnh thì theo các yếu tố chẩn đoán của cục bộ.
Với các nguyên tắc sau:
-                    Hàn (lạnh) thì làm cho ấm: bằng các kỹ thuật hơ, dán cao, xức dầu. Nhiệt (nóng) thì làm cho mát: bằng các kỹ thuật áp lạnh, gõ mai hoa, day vaseline, lăn gai. Hai yếu tố này bao trùm các kỹ thuật tác động cho tất cả các cơ chế điều trị còn lại dưới đây.
-                    Dương hư thì bổ Dương bằng bộ Thăng có làm ấm bằng hơ hay dán cao hay xoa dầu. Âm hư thì bổ âm bằng bộ Bổ Âm huyết day bằng vaseline. Khí hư thì bổ khí bằng bộ Thăng nhưng không gây ấm huyệt. Huyết hư thì bổ huyết bằng bộ Bổ Âm huyết nhưng kỹ thuật thì tùy hư hàn hay hư nhiệt mà chọn kỹ thuật tương ứng.
-                    Viêm thì Tiêu viêm.
-                    Huyết ứ thì khử huyết ứ bằng bộ Tan máu bầm nay là bộ Tiêu viêm khử ứ.
-                    Có đàm thấp thủy thì Trừ đàm thấp thủy.
-                    Nhiễm trùng thì Tiêu viêm bằng day ấn vaseline, hoặc dùng phản chiếu hệ bạch huyết, phối hợp với kháng sinh.
-                    Xuất tiết thì cầm lại (thu liễm) bằng bộ Tan máu bầm (còn có tên là bộ Thu liễm), bộ Bổ trung hay bộ Thăng. Tuy nhiên ở đây cần chẩn đoán tìm nguyên nhân do âm hay dương hư gây xuất tiết. Đây là một vấn đề hơi khó, cần kinh nghiệm biện luận.
-                    Khô thì làm cho tươi nhuận bằng bộ Bổ Âm huyết.
-                    Hưng phấn thì ức chế lại bằng bộ Giáng.
-                    Trầm cảm thì làm hưng phấn lên bằng bộ Thăng.
………………………………….v..v.
III/-     KINH NGHIỆM LÂM SÀNG
            Các triệu chứng thuộc rối loạn cảm giác như đau, nhức, mỏi, tê, nặng nề, yếu… cần phải:
1)                  Phải giảm bằng hay hơn 30% ngay tại chỗ các triệu chứng thì mới đúng. Nếu kém là còn thiếu sót.
2)                  Ngay tại chỗ giảm mà hôm sau tăng lại như cũ là trúng ngọn mà chưa trúng gốc.
3)                  Qua hôm sau tuy có tăng lại nhưng ít hơn ngày hôm trước là trúng cả gốc lẫn ngọn. Cứ thế tiếp tục.
4)                  Đang điều trị hoặc điều trị lần đầu tiên đã có giảm nhưng sau đó vài giờ triệu chứng tăng lên hơn lúc chưa điều trị, thì có thể:
·                      Chẩn đoán và điều trị sai: triệu chứng kéo dài.
·                      Chẩn đoán đúng nhưng điều trị chưa đủ liều lượng: triệu chứng tăng rồi giảm dần.
·                      Bệnh nhân không giữ gìn kiêng cữ về sinh hoạt, ăn uống.
5)                  Triệu chứng đang giảm mà dừng lại không giảm thêm, đó là bệnh chuyển sang giai đoạn mới. Cần thay đổi phương thức điều trị bằng cách chẩn đoán lại và đề ra phương án điều trị mới cho phù hợp. Thường là tốt vì bệnh đã giảm nhẹ, nhưng không có nghĩa là đơn giản hơn và dễ trị hơn giai đoạn trước vì đến đây là vào gần hơn đến phần cốt lõi của bệnh.
IV/-     KẾT LUẬN
            Tuy đã khám kỹ rồi mới có kết luận chẩn đoán nhưng không phải lúc nào cũng có thể trúng 100% ngay trong lần khám đầu tiên với biện pháp lâm sàng (chính vì vậy mà Y học hiện đại phải cố công xây dựng các phương tiện khám cận lâm sàng để hạn chế sai lầm trong chẩn đoán bệnh). Ta chỉ chẩn đoán đúng khi bệnh đơn giản. Với những bệnh phức tạp thì có khi điều trị thử vài lần mới ra vấn đề. Mong các bạn không chủ quan tạo sai sót trong việc chẩn trị. Luôn luôn đặt lại vấn đề khi điều trị thấy không có kết quả như mong muốn.
TP. Hồ Chí Minh, 15 – 07 – 2002.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét