Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2013

CHƯƠNG III: 2. LÀM SAO ĐỂ ĐẠT TỨ ĐẮC



Tạ Minh.
Mạc Tư Khoa, 1992.

            Dò tìm sinh huyệt rồi tác động vào sinh huyệt là việc chúng ta đã biết và đã từng làm. Nhưng dò tìm sinh huyệt ở đâu, tác động như thế nào, bao nhiêu lâu để có thể đạt được TỨ ĐẮC (đắc thời, đắc vị, đắc pháp, đắc độ)? Bởi khuôn mặt đã là khó dò, rồi lại còn bàn tay, bàn chân, lưng, bụng, đầu, vành tai!!! Làm sao mà dò cho nổi… phải không các bạn?
            Nay, tôi xin đóng góp một tâm đắc sau một thời gian dài nghiên cứu và thử nghiệm thấy rất tốt. Mong rằng những kinh nghiệm này sẽ giúp các bạn vững tâm và vững tay hơn trong việc sử dụng DC-ĐKLP.
            Nguyên, đầu năm 1992 tôi sang Matxcơva làm việc theo lời mời của họ và theo đề cử của thầy Châu. Lúc ấy đang là mùa đông, lại là xứ lạnh, hầu hết các trường hợp đều phải dùng ngải cứu để điều trị, hiệu quả tốt. Nhưng có một số trường hợp hơ mặt không có kết quả, thậm chí có lúc lại xấu hơn, mặc dù về chẩn đoán rõ ràng là thực hàn. Tôi rất ngạc nhiên. Trước đó, ở Việt Nam thỉnh thoảng cũng có gặp, nhưng rất ít khi và chưa tìm ra giải pháp tốt. Một phần do áp lực bịnh nhân quá đông không rảnh để nghiên cứu cho ra vấn đề. Mặt khác phương pháp chỉ mới bắt đầu triển khai ra toàn thân, lại không có giường nằm cho bịnh nhân. Cho nên việc áp dụng các hệ thống phản chiếu ngoài bộ mặt chưa được triệt để như hiện nay.
            Ở Matxcơva, đủ điều kiện, nên tôi quyết tâm nghiên cứu hiện tượng này. Tôi phát hiện ra nhiệt độ các vùng cơ thể của trên cùng một bịnh nhân không giống nhau. Từ nhận xét này, tôi chuyên tâm tìm những vùng có nhiệt độ bất hợp lý nhất trên cơ thể bịnh nhân làm nơi chẩn đoán và điều trị. Từ đó hiệu quả điều trị được nâng cao hẳn vì nhanh hơn và chính xác hơn trước. Ngoại trừ các trường hợp sốt cao làm rối loạn sinh lý huyệt như đã trình bày. Hoặc một số trường hợp lạnh toàn thân vì một cơn đau kịch phát.
            Thế là vấn nạn “Làm sao để đạt tứ đắc” đã được giải.
I/-        VẤN ĐỀ ĐẮC VỊ, ĐẮC THỜI?
            Hai yếu tố đầu tiên là ĐẮC THỜI, ĐẮC VỊ sẽ đến cùng lúc khi ta tìm được vùng chẩn trị có sinh huyệt nằm trong đó. Đó là nơi lạnh nhất hay nóng nhất trong cơ thể bịnh nhân trong khi các nơi khác có nhiệt độ bình thường. Thí dụ: Các nơi đều ấm riêng bàn chân lại lạnh thì bàn chân là nơi khám và trị bằng ngải cứu. Các nơi đều mát mà mặt lại nóng thì mặt là nơi dò và trị bệnh bằng que dò.
II/-       VẤN ĐỀ ĐẮC PHÁP?
            Ta cũng biết, hễ bịnh nhân nóng thì giải nhiệt, bịnh nhân lạnh thì làm cho ấm, hễ đau tay thì chữa tay nhưng nếu đau tay do thiếu máu cơ tim thì chữa bệnh cho tim chứ không phải chữa cho tay; nhức đầu thì chữa đầu nhưng nhức đầu do táo bón thì lại chữa vào đại tràng chứ không chữa cho đầu v.v… Đó chính là đắc pháp, chứ không phải chỉ chọn dụng cụ là đã đắc pháp. Dĩ nhiên khi đã định được “pháp” rồi thì việc chọn dụng cụ kỹ thuật thích hợp là việc phải làm để phát huy tối đa sự ĐẮC PHÁP.
III/-     VẤN ĐỀ ĐẮC ĐỘ?
            Bịnh có nặng có nhẹ, có đơn giản có phức tạp. Thể trạng bịnh nhân có khoẻ có yếu, có nhạy cảm có chậm đáp ứng. Mỗi trường hợp, mỗi thời điểm đều chẳng giống nhau. Các kỹ thuật với các mức độ đề ra như hơ nóng 3 lần, day lăn vài phút v.v… dù sao cũng chỉ gợi ý bình quân. Muốn đạt được yếu tố ĐẮC ĐỘ chúng ta phải chú ý thật kỹ các triệu chứng, diễn biến trên thực tế lâm sàng ngay trong lúc đang thao tác điều trị. Đồng thời vẫn tiếp tục khảo sát các diễn biến kế tiếp. Muốn vậy chúng ta cần ghi chép bịnh án đầy đủ. Từ đó chúng ta mới có thể suy ra và phán đoán mức độ tác động thích hợp cho mỗi lần điều trị. Nếu không rất dễ làm quá lố hoặc không đủ.
            Muốn đạt được cao hai yếu tố PHÁP và ĐỘ chúng ta không thể không nghiên cứu sinh lý bệnh lý Đông và Tây y để làm nền tảng trong phán đoán bệnh chứng. Riêng yếu tố ĐẮC ĐỘ thì cần kinh nghiệm riêng có được sau một thời gian thực hành nhiều, điều này khó truyền đạt.
            Tôi vừa trình bày xong phương cách để đạt TỨ ĐẮC. Tuy không có gì bí hiểm nhưng muốn làm được chúng ta cần rèn luyện như mọi vấn đề khác. Mong các bạn thành công.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét