Quan
điểm chung:
·
Tận dụng mọi phương pháp chẩn đoán hiện nay của y học.
·
Sinh lý học Tây y, Bát-cương và Tạng-tượng của Đông y là căn
bản để nghiên cứu bệnh lý, là chỉ tiêu để chẩn đoán và theo dỏi diễn biến điều
trị.
Các phương pháp chẩn đoán:
I/- TÂY Y
Đo
huyết áp, sờ, nắn, nghe, hỏi về bệnh, xem các kết quả cận lâm sàng.
II/- ĐÔNG Y
1)
Vọng: dùng mắt để quan sát các biểu hiện sinh lý bệnh lý của
bệnh nhân.
-
Động tác: chính xác, dứt khoát, lanh lẹ là bình thường. Quá
mức là Dương chứng, yếu kém là Âm chứng.
-
Ánh mắt: linh hoạt, có thần là bình thường. Long lanh phát
ra ánh lạ là dương, lờ đờ vô định là âm.
-
Da dẻ: tươi nhuận, đều màu, màu sắc hợp lý là bình thường.
Màu sắc quá bóng là dương. Xỉn màu là âm (dù vàng hay đỏ).
-
Niêm mạc: hồng đều (nên xem niêm mạc của trẻ khỏe mạnh từ 7
đến 15 tuổi để biết tiêu chuẩn). Xem thêm bài “Chẩn đoán về Huyết – Khí”.
2)
Văn: dùng tai nghe để khảo sát:
-
Cách diễn tả ý tưởng rõ ràng mạch lạc chừng mực (tùy trình
độ của mỗi người) là bình thường. Diễn tả nhanh, nhảy đoạn là dương. Diễn tả
chậm, ý tưởng trùng lắp là âm.
-
Âm lượng vừa phải phù hợp với bối cảnh xung quanh là bình
thường. Nói lớn, nói nhanh là dương. Nói nhỏ, bỏ lửng câu nói là âm. Tuy nhiên,
khía cạnh này còn tùy thuộc nề nếp riêng của mỗi người.
-
Hơi thở đều đặn nhẹ nhàng là bình thường. Thở nhanh mạnh là
dương. Thở chậm quá nhẹ là âm. Nếu người có tập khí công thì cách chẩn đoán này
không đúng.
3)
Thiết: dùng xúc giác để khảo sát bệnh lý bằng cách sờ nắn, xem
mạch.
-
Da thịt cơ gân săn chắc phù hợp với thể trạng là bình
thường. Co cứng là thực, lỏng nhão là hư.
-
Nhiệt độ: bình thường da toàn thân có nhiệt độ tương đối
đều. Khi có chênh lệch khác lạ là có bệnh. Nơi bất thường nhất là nơi có rối
loạn: nóng là nhiệt, lạnh là hàn. Cách này để chẩn đoán tổng quát toàn thân.
Đối với nơi đang bị đau (cục bộ) thì có thêm ý nghĩa khác: ngoài
yếu tố hàn nhiệt ra còn có ý nghĩa nóng là do khí bế huyết ứ, lạnh là do khí
thiếu, huyết kém.
-
Mạch: xem thêm về sách mạch lý. Cần lưu ý nguyên lý về mạch
cũng thường nhắc nhở: “xả mạch tòng chứng”. Vì vậy mạch cũng chỉ là một yếu tố
tham khảo chớ không là yếu tố quyết định. Dĩ nhiên với người giỏi mạch thì
việc sai lầm ít khi xảy ra, nhưng nếu không chú ý kết hợp với Vọng, Văn, Vấn thì
khi sai lầm sẽ rất nghiêm trọng.
4)
Vấn: theo tôi, đây là khâu quan trọng nhất và cần linh động
khéo léo vận dụng kiến thức tổng quát (ngoài kiến thức y học) và suy luận trên
thực tế.
Cần quan tâm đến các tình hình sau:
-
Nghề nghiệp: nghề nghiệp rất ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhất là
tư thế làm việc và tinh thần khi làm việc.
-
Nơi cư trú thường xuyên lâu dài (môi trường sống).
-
Thói quen sinh hoạt: cường độ làm việc – nghỉ ngơi, những
thú vui chơi, thói quen tắm rửa.
-
Tình hình ăn uống. Cảnh giác với câu trả lời “ăn uống bình
thường”. Phải hỏi cặn kẽ ăn một ngày mấy lần, mỗi lần ăn bao nhiêu, có ngon
miệng hay không, có biết đói bụng hay không? Uống một ngày mấy lần, mỗi lần bao
nhiêu. Tính cả phần thức ăn lỏng như canh, hủ tiếu…… v.v.. Trung bình mỗi người
cần 1,5 đến 2 lít nước mỗi ngày. Nhưng cũng cần chú ý đến thời tiết, việc ra mồ
hôi và việc tiểu tiện.
-
Hỏi về tiểu tiện: số lần đi tiểu ngày và đêm, lượng nước
tiểu (khoảng 1,5 lít / 24 giờ). Nước tiểu hơi vàng, trong trẻo, mùi khai nhẹ êm
ái là bình thường. Trắng là hàn. Đục là có thấp. Đau xót, dễ hay khó – các hiện
tượng này là triệu chứng chung của nhiều bệnh khác nhau, sẽ đề cập đến trong
bệnh thuộc hệ Tiết Niệu.
-
Hỏi về đại tiện: mấy ngày một lần. Có một số người hai ngày
mới đi một lần đều đặn như thế thì đây cũng là bình thường vì họ có đại
trường hơi dài. Tình trạng của phân: cứng khô hay nhão rời, to hay nhỏ,
vàng hay có màu khác. Các hiện tượng này sẽ được đề cập trong bệnh hệ Tiêu hóa.
-
Ngủ: dễ hay khó vào giấc, thẳng giấc hay bị trở giấc, lúc
thức dậy tỉnh táo hay lờ đờ. Nằm đâu ngủ đó, ngủ khó thức dậy là khí suy. Ít
ngủ, ngủ dễ thức nhưng ngủ lại không khó là khí thịnh. Khó ngủ dễ thức và khó
ngủ lại là âm-huyết suy. Xem thêm bài “Mất ngủ”.
-
Với phụ nữ nên hỏi thêm về kinh nguyệt. Chu kỳ đều hay
không, chu kỳ dài (34 ngày) hay ngắn (23 – 25). Số ngày hành kinh, hình thức
màu sắc của kinh.
-
Hỏi về thời điểm bệnh tăng giảm, mùa nào giờ nào trong ngày
bệnh tăng hay giảm. Tăng trong mùa nóng hay buổi trưa là nhiệt chứng dương
chứng. Tăng trong mùa lạnh hay chiều tối là hàn chứng âm chứng. Nói chung là
yếu tố dương (nhiệt - táo) hoặc âm (hàn - thấp) sẽ làm tăng thêm bệnh đồng
tính với nó.
-
Hỏi cảm giác:
Ø
Nhiệt: đau, ngứa, mỏi, nóng.
Ø
Hàn: nhức, tê, nặng nề, lạnh. Riêng trong bệnh thoái hóa các
khớp tay chân, đĩa đệm cột sống, các đốt sống thì các triệu chứng này không có
ý nghĩa hàn – âm tuyệt đối. Cần xét thêm bệnh tăng khi gặp yếu tố âm – hàn có
xảy ra hay không mới có thể kết luận có hàn hay không. Vì luôn luôn các bệnh
này làm bệnh nhân có các cảm giác nêu trên.
-
Tính chu kỳ khí lực (xem bài chu kỳ khí lực và chu kỳ 6
thiên khí) nếu bệnh có quy luật về thời gian.
Về Vấn chẩn sẽ được đề cập chi tiết hơn
trong mô tả triệu chứng các bệnh.
III/- DÒ HUYỆT
Là
phương pháp chẩn đoán bằng cách ấn các huyệt để dò tìm căn nguyên của bệnh.
Thực chất cách này thuộc Thiết chẩn. Nhưng trên lâm sàng nó tỏ ra khá độc lập
nếu chúng ta nắm vững các nguyên tắc và nhuần nhuyễn kỹ thuật của phương
pháp. Ngoài DC-ĐKLP ta nên vận dụng thêm kiến thức của tất cả các phương
pháp (môn phái, trường phái) hiện có như Thể châm, Nhĩ châm, Thủ – Túc châm……
v.v..
Khi
dò huyệt bằng que dò cần biết các đặc điểm sau: khi vùng huyệt bị cộm cứng là thực. Vùng huyệt bị mềm lõm xuống là hư.
Huyệt bị đau một cách bình thường biểu hiện bệnh nhiệt nhưng cũng có
thể là hàn nhẹ. Đau một cách đặc biệt không chịu nổi là nhiệt. Không
đau dù đã dùng sức rất mạnh là hàn nhiều (cần thận trọng với bệnh nhân
Tiểu đường). Xem thêm bài “Chẩn đoán hàn nhiệt bằng huyệt DC”.
Khi dò huyệt bằng ngải cứu cần chú ý: huyệt
hút nóng nhanh là huyệt quan trọng hơn huyệt hút nóng chậm. Vừa nóng vừa buốt
là hàn nhiều. Vừa nóng vừa ngứa là có nhiệt lẫn vào.
Nên
nhớ chẩn đoán đúng thì điều trị mới đúng và ít có tai biến. Mà chẩn đoán bao
giờ cũng khó hơn điều trị. Do đó cần kỹ lưỡng trong khi chẩn đoán để hạn
chế sai sót. Và… bao giờ cũng tự hỏi rằng “hay là mình đã sai?”, khi kết
quả điều trị không đạt như mong muốn. Không nên áp đặt rằng do lỗi của bệnh
nhân vi phạm về sinh hoạt hay ăn uống……v.v.. mặc dù không bỏ qua yếu tố này.
Luôn cần quan tâm và tin cậy bệnh nhân sau khi bày tỏ quan điểm cần biết sự
thật về bệnh chứng diễn tiến bệnh. Khi chúng ta tôn trọng và không làm họ sợ
thì bệnh nhân sẽ tôn trọng và thành thật với ta. Nếu chúng ta nghi ngờ lời khai
của bệnh nhân thiếu chính xác (vì họ ngoài ngành Y nên đôi khi không biết
cách diễn tả) thì nên khéo léo kiểm chứng bằng phương pháp dò tìm sinh huyệt
hoặc có câu hỏi khác lời nhưng cùng ý để xác minh, không nên la rầy. Nên ân
cần với các bệnh nhân thuộc giới bình dân trình độ văn hóa thấp. Giới này
thường nể sợ thầy thuốc hoặc có tâm trạng ngại ngùng nên khai bệnh hay sai,
sót.
Lương y Tạ Minh, 1993.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét